Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho các đối tượng nuôi thuỷ sản phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế theo phương hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, ngoài việc cải tạo môi trường nước, bón phân, gây nuôi thức ăn tự nhiên, việc chế biến thức ăn tổng hợp, nuôi thức ăn sống để cung cấp cho ngành thủy sản nói chung và tôm giống nói riêng là một nhu cầu rất cần thiết hiện nay.
Thức ăn tươi sống là loại thức ăn thích hợp ở giai đoạn ấu trùng của nhiều đối tượng nuôi và ít gây ô nhiễm môi trường nuôi. Vì vậy việc nghiên cứu sử dụng thức ăn tươi sống trong sinh sản nhân tạo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất.
Vi tảo biển được coi là thức ăn tốt nhất cho các đối tượng nuôi, ngoài thành phần dinh dưỡng là các vitamin thiết yếu, tảo biển còn chứa một hàm lượng đáng kể các acid béo không no HUFA n – 3, và những acid béo này có thể dễ dàng trở thành nguồn dinh dưỡng cho ấu trùng tôm, thông qua luân trùng là loại thức ăn sống trung gian. Trong số các loài tảo biển hiện đang được áp dụng rộng rãi, tảo Nannochloropsis oculata có chất lượng khá tốt và được sử dụng nuôi luân trùng ở nhiều nước trên thế giới.
Nuôi luân trùng là một khâu không thể thiếu của nhiều trại sản xuất giống nhân tạo các đối tượng hải sản. Đặc biệt ở giai đoạn lấy dinh dưỡng ngoài đầu tiên của ấu trùng tôm. Luân trùng là loại thức ăn tốt nhất cho ấu trùng vì chúng có ưu điểm đặc biệt: Giá trị dinh dưỡng cao, kích thước phù hợp,tốc độ bơi chậm, khả năng nuôi sinh khối cao….. Ngoài ra, luân trùng dễ thích nghi với môi trường, có khả năng chịu đựng đối với sự biến động lớn của độ mặn.
Các loài tảo biển, nhất là tảo đơn bào, chứa nhiều axít béo không no; trong đó, có EPA 20:5n-3 (Eicosapentaenonic acid), DHA 22:66n-3 (Docosahexaenoic acid) rất quan trọng đối với quá trình sinh trưởng và phát triển ấu trùng tôm cá. Ấu trùng không có khả năng tổng hợp các axít béo này nên chúng phải lấy từ tảo.