Công Ty TNHH Giống Thuỷ Sản Đông Thành VN

http://tomgiongdongthanh.vn


Nói không với “tôm tạp chất”

Tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng khối lượng, thay đổi kết cấu, thay đổi cảm giác về độ tươi hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hành vi này thường diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu và thường ở các tỉnh trọng điểm về tôm như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Theo đó, cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa.


Thu hoạch tôm tại Cà Mau Ảnh: DL

Quyết liệt vào cuộc

Tại Hội nghị Tổng kết Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất (Đề án) tổ chức tại Cà Mau ngày 20/2 vừa qua; Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã đưa ra những nhận định tích cực; đó là, nạn bơm chích tạp chất không còn công khai, phổ biến, có quy mô, tổ chức thành tụ điểm như trước mà chỉ còn tập trung ở các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, vùng giáp ranh các tỉnh, hoạt động lén lút, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm.

Trong 2 năm (2017 - 2018), Bộ NN PTNT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội; phát hiện, bắt quả tang và xử lý 8 cơ sở thu mua, sơ chế và 2 doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất, xử phạt gần 500 triệu đồng. Tại 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, phát hiện 177 số vụ vi phạm, số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của NAFIQAD, khi triển khai Đề án tại 4 tỉnh trọng điểm này, có 2.804 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến (100%) ký cam kết không thu mua tôm tạp chất; tuy nhiên, chỉ có 85.338/430.022 cơ sở nuôi ký cam kết không đưa tạp chất và tôm nguyên liệu, chiếm chưa đến 20%.

Riêng tại Cà Mau, 100% (2.486/2.486) cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng như sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN PTNT Cà Mau cho biết: “Thực tế, mặc dù tình trạng bơm chích tạp chất có giảm nhưng vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn. Các tụ điểm chia nhỏ lẻ để bơm chích, chọn những nơi hẻo lánh và luôn thay đổi địa điểm. Sau khi bơm chích, tôm được vận chuyển bằng nhiều hình thức, phương tiện và thời gian khác nhau: như xe 2 bánh, xe khách, tàu… gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra.

Tích cực và đồng bộ hơn

Mặc dù, qua 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đã mang lại những hiệu quả nhất định, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng là tiến tới chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước, theo nhận định là chưa đạt được kỳ vọng đề ra.

Một trong những khó khăn khi thực hiện đó là một số địa phương chưa xử lý đầy đủ khi phát hiện các vi phạm, chủ yếu là phạt tiền, chưa áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; chưa xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) khi phát hiện vi phạm xảy ra trên địa bàn; một số doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa đồng lòng; chưa thực hiện cam kết và chưa quyết tâm nói không với tạp chất.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra để việc triển khai Đề án mang lại hiệu quả cao nhất. Trong đó, nổi bật là việc chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để đảm bảo người dân và doanh nghiệp hiểu được tác hại của bơm tạp chất đối với sự phát triển của ngành tôm; nếu cần thiết ban hành mới, bổ sung các hình thức xử phạt mới để đảm bảo tính răn đe; VASEP cần cương quyết hơn đối với hội viên trong việc cam kết không thu mua tôm tạp chất. Vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khẳng định: “Quan điểm của VASEP là tuyệt đối chống lại hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Thực tế trong năm qua, các doanh nghiệp thành viên không đơn vị nào thu mua tôm có tạp chất; năm 2018, khách hàng chưa có cảnh báo nào đối với tôm nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam”.

Đại diện các địa phương, nhất là 4 tỉnh trọng điểm thống nhất, cần phải tiếp tục triển khai Đề án trong thời gian tới. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, tình trạng bơm chích tạp chất thực tế vẫn còn diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất đòi hỏi cần phải thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp quyết liệt giữa các tỉnh với nhau, nhất là cần có vai trò điều phối chung của Trung ương.

Nguồn tin: Thủy sản Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây