Cam kết sản xuất tôm giống chất lượng
- Thứ sáu - 12/04/2019 14:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận
Thành công từ quy chế
Năm 2018, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT. Sản lượng tôm giống sản xuất đạt 120 tỷ con (tăng 10,4% so năm 2017); trong đó tôm sú là 37,5 tỷ con; TTCT là 82,5 tỷ con. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng năm các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.
Với mong muốn nâng cao chất lượng tôm giống, đáp ứng nhu cầu của người nuôi, tháng 4/2018, 11 tỉnh, thành trên cả nước đã ký kết quy chế phối hợp quản lý chất lượng tôm giống. Và từ quy chế này, các tỉnh đã truy xuất được nguồn gốc tôm giống, tránh được tình trạng người dân mua phải tôm giống kém chất lượng đưa vào thả nuôi.
Tham gia vào quy chế này, các tỉnh đều cập nhập danh sách những cơ sở được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tôm giống với những thông tin rất cụ thể. Từ danh sách này, các địa phương nhập tôm giống có thể truy xuất nguồn gốc của tôm giống. Theo các doanh nghiệp sản xuất giống tôm nước lợ thì đây là cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, có uy tín.
Truy xuất nguồn gốc tôm giống là một trong những yếu tố quyết định thành bại của vụ nuôi. Do vậy, để quản lý tốt giống tôm nước lợ, nhất là trong điều kiện Luật Thủy sản đã có hiệu lực thi hành, Bộ NN&PTNT đã quyết định nhân rộng quy chế phối hợp quản lý chất lượng tôm giống cho 22 tỉnh, thành trong cả nước. Từ sự phối hợp này, Bộ NN&PTNT kỳ vọng, tại từng địa phương, việc sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ sẽ đi vào quy củ, đảm bảo đưa con giống chất lượng ra thị trường.
Cam kết chất lượng
Vừa qua, Hiệp hội Tôm Bình Thuận và Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đã cùng ký cam kết sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ đảm bảo chất lượng.
Cụ thể: Về điều kiện cơ cở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Thực hiện đầy đủ các quy định điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại Điều 24 Luật Thủy sản 2017 và Điều 20 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019; Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Về chất lượng tôm giống: Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố; Giống tôm nước lợ lưu thông trên thị trường có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Về sử dụng tôm bố mẹ: Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng tôm bố mẹ theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018. Về ghi nhãn, kiểm dịch tôm giống: Thực hiện ghi nhãn giống tôm nước lợ theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Thực hiện khai báo kiểm dịch tôm giống theo quy định của pháp luật về thú y. Về kiểm tra, ghi chép hồ sơ và báo cáo: Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng tôm giống phục vụ truy xuất nguồn gốc; Thực hiện báo cáo theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.
Năm 2019, với sự thay đổi trong phương thức quản lý theo các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có những khó khăn ban đầu; song đây là cơ sở quan trọng để tăng cường công tác quản lý, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng tôm giống đáp ứng mong mỏi của người nuôi.